100% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng tiêu chuẩn GAP, hữu cơ
Tết đến trong mỗi gia đình thứ không thể thiếu được đó là trà Thái Nguyên xanh
Trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với những người dân trên mảnh đất chè nổi tiếng Thái Nguyên về sự kiện trọng đại của đất nước, phóng viên ghi lại nhiều mong muốn, kỳ vọng của người dân vùng đất này gửi tới Đại hội XIII của Đảng.
Chị Hoàng Thị Tân ở xóm Hồng Thái, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, xã viên Hợp tác xã Tâm trà Thái cho biết, bản thân chị rất phấn khởi, tự hào trước những kết quả, những dấu ấn thành công chung của đất nước và của tỉnh Thái Nguyên mà nhiệm kỳ qua đã đạt được. Chị Tân mong muốn, kỳ vọng và tin tưởng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục là Đại hội của tinh thần đoàn kết, đồng sức đồng lòng của toàn dân tộc, đưa đất nước phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Theo chị Hoàng Thị Tân, mỗi kỳ đại hội đều để lại những dấu ấn với mọi tầng lớp nhân dân, bởi vậy, không chỉ có cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mà cả những người nông dân, trực tiếp là những người xã viên HTX chè cũng háo hức, dành thời gian tìm hiểu, cập nhật thông tin. “Chúng tôi rất mong muốn, vấn đề nông nghiệp, nông thôn sẽ được Đại hội tập trung nghiên cứu, thảo luận, đề ra những giải pháp liên quan đến cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp; quyết sách đúng đắn, chủ trương linh hoạt để thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện thành công mục tiêu nông thôn mới trong cả nước. Đặc biệt là cơ chế hỗ trợ, khuyến khích sản xuất kinh doanh tới các xã viên Hợp tác xã như chúng tôi, qua đó có điều kiện được phát huy, tiếp tục có đóng góp nhiều hơn nữa đối với nền nông nghiệp nước nhà”, chị Hoàng Thị Tân chia sẻ.
Bên nương chè của gia đình, bạn Nguyễn Thị Hậu, sinh viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên chia sẻ: Đại hội XIII là một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của toàn Đảng, toàn dân tộc. Bản thân em rất tâm đắc với chủ đề của Đại hội lần này “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển” vì đã thể hiện rõ quan điểm, ý chí và mục tiêu của Đảng ta, do đó, trước sự kiện chính trị hết sức quan trọng này, các tầng lớp nhân dân, trong đó có thế hệ trẻ như Hậu kỳ vọng Đảng sẽ có những đột phá, đổi mới về đường lối chính sách phát triển nguồn nhân lực. Đây là cơ sở để thế hệ trẻ được tạo điều kiện, khuyến khích và cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển đất nước. “Được sinh ra và lớn lên tại vùng đất chè nổi tiếng Thái Nguyên, em mong muốn Đại hội sẽ có những quyết sách nhằm tạo điều kiện cho những người như lớp trẻ chúng em được có điều kiện tiếp cận khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng lực bản thân để có nhiều đóng góp hơn nữa cho quê hương, đất nước; nhất là việc tiếp tục đưa thương hiệu chè Thái Nguyên vươn cao, vươn xa hơn nữa. Đồng thời, sẽ có thêm nhiều chính sách hơn nữa nhằm quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thanh niên được học tập, khởi nghiệp, tăng cường các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, nhất là cho thanh niên vùng nông thôn, vùng sâu, xa…” - Nguyễn Thị Hậu bày tỏ.
Cũng tại vùng đất chè Thái Nguyên, chúng tôi có dịp được trao đổi cùng ông Phạm Đức Thuận, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Chè tỉnh Thái Nguyên về Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Ông Phạm Đức Thuận mong muốn và kỳ vọng, Đại hội sẽ sáng suốt lựa chọn được những đồng chí cán bộ khóa mới đủ điều kiện, có đức, có tài, có uy tín để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ông hy vọng vấn đề nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp chế biến sâu sẽ được tiếp tục được quan tâm đầu tư, hỗ trợ để từ đó tiếp tục có điều kiện phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian tới.
“Việt Nam được coi là một trong 5 quốc gia xuất khẩu chè lớn nhất thế giới. Diện tích trồng chè, tổng sản lượng và lượng chè xuất khẩu qua các năm không ngừng tăng lên. Cây chè trở thành cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo không chỉ tại quốc gia, mà hiện đang là cây trồng chủ lực tại Thái Nguyên. Do đó, việc Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp cũng là cơ hội để chúng tôi tiếp tục phát huy giá trị sản phẩm nông sản hơn nữa, trong đó có cây chè. Qua đó, tiếp tục đưa cây chè Thái Nguyên phát triển hơn nữa, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế quốc gia nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng…”./.
Có mặt tại cơ sở sản xuất trà xanh của gia đình chị Hoàng Thị Tân, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, không khí sản xuất đang rất nhộn nhịp bởi thời điểm này xưởng đang tập trung chế biến trà xanh chất lượng cao kịp chuyển tới tận tay khách hàng nhân dịp Tết Nguyên đán.
Chị Hoàng Thị Tân chia sẻ, gia đình chị có trên 10 ha chè công nghiệp, hiện nay mỗi năm cho thu hoạch trên 200 tấn chè búp tươi. Gắn liền với vùng đất này nhiều năm, nên gia đình chị Tân đã đầu tư nhiều công sức, tài sản để nuôi cấy, chọn giống, phân bón … sản xuất các loại cây chè gắn với thương hiệu chè sạch bằng phương pháp làm thủ công. Tết là dịp loại chè này được khách hàng đón nhận và đặt với số lượng lớn. Do đó, chị Tân đã cùng phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất chè trên địa bàn nhận cung ứng những sản phẩm chè với tiêu chuẩn đặc biệt về “búp”, “tép”, “tôm”… chè để tiến hành sản xuất các loại chè tiêu chuẩn cao cấp.
“Thời gian này, các doanh nghiệp thu mua đang hoạt động hết công suất, do đó gia đình tôi phải thuê thêm nhân công hái chè, nhất là những loại chè đặc biệt, hảo hạng, thì càng cần người có kinh nghiệm. Mặc dù giá nhân công những ngày Tết cao gần gấp đôi ngày thường, nhưng tôi vẫn chấp nhận, vì đã tiến hành ký kết hợp đồng thu mua với đối tác, doanh nghiệp. Dự kiến, những ngày cận Tết, trung bình mỗi ngày, gia đình tôi thu hái được khoảng hơn 1 tấn chè nguyên liệu, cũng có cái Tết khá giả,” – chị Tân phấn khởi cho biết.
Trong khi đó, những ngày cuối cùng của năm cũ Canh Tý 2020 sắp qua, chuẩn bị chào đón năm Tân Sửu 2021 sắp đến, hối hả, tất bật với những đơn hàng cuối cùng chuẩn bị gửi đi cho khách, nên cơ sở chế biến chè thủ công Hương Vân của gia đình chị Nguyễn Hương Vân, tại thủ phủ đất chè Tân Cương, TP Thái Nguyên luôn bận rộn không ngưng nghỉ.
Chị Hương Vân cho biết, bản thân chị đã gắn bó với nghề làm trà xanh này đã được hơn 10 năm nay. Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất của chị làm ra khoảng 3 tấn chè búp tươi để chế biến ra trà xanh, với giá thành những ngày thường, cũng cho thu nhập ổn định, khá. Riêng dịp Tết năm nay xưởng sản xuất của chị Hương Vân sản xuất khoảng 2 tấn chè búp loại chất lượng cao, tương đương với hơn 4 tạ trà xanh để phục vụ người tiêu dùng. Để có sản phẩm trà xanh ngon, chất lượng đặc biệt thì theo chị Hương Vân, quy trình khá cẩn thận, kỹ lưỡng. Đầu tiên chè phải được hái hoàn toàn bằng tay để tránh dập nát hoặc lẫn chè không đạt yêu cầu, nguyên liệu chè phải đảm bảo chất lượng “một búp, hai lá” và phải đều như một. Đặc biệt chè phải hái đúng thời điểm từ 6 gờ sáng đến 10 giờ trưa để chè giữ được hương vị thơm ngon, đậm đà và phải được sao ngay trong ngày hái. “Có như vậy, chè mới đảm bảo yêu cầu cao với những khách hàng khó tính. Tết, giá chè thương phẩm khá đắt, nhưng khách hàng đặt loại chè đặc biệt sẽ lựa chọn chất lượng và uy tín; giá cũng chỉ là kênh tham khảo. Mỗi vụ Tết dù bận rộn, xoay sở để kịp giao hàng cho khách nhưng tôi rất vui và hạnh phúc, bởi trong mỗi gia đình có sự hiện diện của sản phẩm do mình nâng niu, sản xuất là điều hạnh phúc nhất với những người làm chè như chúng tôi” – chị Hương Vân tâm sự.
Tết đến trong mỗi gia đình thứ không thể thiếu được đó là trà xanh, chính vì vậy những năm gần đây sản phẩm trà xanh chất lượng cao tại Thái Nguyên những ngày cận Tết luôn chạy hàng. Theo kinh nghiệm của các hộ gia đình gắn bó với nghề sản xuất trà xanh ở huyện Đại Từ; TP Thái Nguyên thì để có được một ấm trà ngon, có chất lượng cao nhất, mang đặc trưng riêng biệt, đáp ứng được thi ̣hiếu người tiêu dùng thì cần có sự chọn lọc và sử dụng nguyên liệu chè búp tươi rất kỳ công ngay từ khâu chăm sóc cho đến khi chế biến ra sản phẩm cuối cùng, đặc biệt là phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Trong quá trình lựa chọn và sử dụng nguyên liệu, để chế biến trà xanh đạt chuẩn phải chọn những búp chè tươi có 1 tôm, 2 hoặc 3 lá non, có hàm lượng tanin thấp hoặc trung bình, hàm lượng protein cao, từ đó các sản phẩm trà làm ra sẽ có vị chát đậm, dịu, không đắng và hương thơm tự nhiên hấp dẫn. Nguyên liệu chè sau khi thu hái cần được đưa ngay về chế biến càng nhanh càng tốt, để đảm bảo tươi mới, khô ráo nước, không bị dập nát, không ôi chè. Nếu chưa kịp chế biến phải được bảo quản nơi thoáng mát, sạch sẽ, nhưng thời gian bảo quản không nên vượt quá 6-8 giờ. Thường thì chè búp tươi thu hái vào thời kỳ đầu vụ và cuối vụ sẽ cho sản phẩm trà có chất lượng cao hơn so với chè tươi thu hái ở giữa vụ và không nên thu hái vào những ngày mưa.
Để cho ra sản phẩm trà xanh ngon như ý, dù chè sản xuất theo phương pháp thủ công hay cơ giới thì người làm chè đều phải tuân thủ quy trình 5 bước đó là phơi héo, lên hương, diệt men, vò chè và đánh khô chè. Công đoạn đầu tiên là phơi héo, chè búp sau khi hái, được đưa về rải ra bạt để phơi héo. Giai đoạn tiếp theo là “lên hương”, giai đoạn này chè bắt đầu giải phóng mùi. Trong bước này, người phơi không nên để chè tiếp xúc ánh nắng mặt trời trực tiếp để tránh làm lá bị táp, sau đó chè được chuyển vào một lồng quay để xáo tung lên. Các lá trà va đập vào thành lồng, để tiếp tục lên men. Bước này lặp đi lặp lại cho đến khi quá trình hoàn tất. Lúc này, thành phẩm bắt đầu tỏa ra mùi thơm đầy đặn, gần giống như hương hoa. Chỉ những người làm nghề chế biến trà mới nhận ra được khi nào quy trình hoàn thiện. Khi nhận thấy lên hương đã đủ, chè được rải ra nia để tiếp tục ủ hương trong 30 phút. Sau khi đã lên hương như mong muốn, chè được xử lý nhiệt để “diệt men”. Đây là quá trình quan trọng, quyết định nhiều đến thành phẩm. Trong giai đoạn này, nhiệt độ cao sẽ phá hủy các enzyme, khử tanin, giảm đắng, chát, giữ màu xanh và “khóa hương” vị ban đầu của chè. Tùy từng loại chè mà số lượng vòng quay của máy, nhiệt độ và thời gian “diệt men” cũng khác nhau. Công đoạn tiếp theo là vò chè. Ngày nay, chè được vò bằng cối thay vì bằng tay như trước kia. Thông thường, một cối chế biến được 4-5 nia chè sau khi diệt men, thời gian 20 phút mỗi lần vò. Trong bước này, tế bào lá bị làm dập, khiến dịch tiết ra bề mặt. Nước thành phẩm nhờ đó xanh hơn, khi pha cũng tạo màu nhanh hơn và giữ màu qua nhiều nước pha. Thao tác này cũng làm chè xoăn lại, giữ được hương. Bước cuối cùng là đánh khô chè. Quy trình này được chia nhỏ tiếp thành từng giai đoạn ngắn, lặp lại cho đến khi độ ẩm chỉ còn 6-7%. Lúc này, lá chè khô, giòn, màu xanh xám. Từng cánh chè khi pha lại nở ra nguyên dạng của búp chè, không bị rách hay đứt, gãy.
Với những công đoạn đặc biệt, đòi hỏi nhiều kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản như trên nên mỗi khi dịp Tết đến, xuân về, sản phẩm chè Thái Nguyên luôn được khách hàng đánh giá cao và lên đơn đặt hàng số lượng lớn. Bởi, với người làm chè Thái Nguyên, mỗi sản phẩm chè nơi đây dịp Tết đến, xuân về còn mang niềm mong ước mang lại những giá trị tinh thần, giá trị niềm tin với mong muốn ngày Tết đầm ấm, sum vầy tới những vị khách hàng thân yên, quý trọng./.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Chí Công, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Cách Tân (xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, Thái Nguyên).
Để làm được như vậy, doanh nghiệp sẽ đồng hành với các HTX sản xuất trong kế hoạch phát triển, định hướng sản phẩm và hệ thống phân phối, hình thành chuỗi cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm. Hiện, công ty này đang triển khai dự án "Xây dựng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thương hiệu TRÀ XANH THÁI NGUYÊN tại thị trường nội địa, liên kết chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm". Dự án triển khai, hợp tác liên kết với các HTX sản xuất chè có xây dựng và quản lý vùng nguyên liệu tại các huyện thành của tỉnh, thiết lập và xây dựng hệ thống các cửa hàng, đại lý giới thiệu và bán hàng trên toàn quốc.
Trong đó, doanh nghiệp xây dựng website, phát triển thương mại điện tử và phối hợp với ngành bưu điện để thực hiện Logistics, bao gồm các hoạt động: lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất.
Nằm tại xã Minh Lập, một trong những vùng chè đặc sản nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên, HTX được đánh giá là rất năng động và mạnh tay đầu tư cho hoạt động quảng bá sản phẩm chè. Hàng năm HTX Chè an toàn Nguyên Việt đầu tư hàng tỷ đồng để tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm nông sản trên toàn quốc, cũng có một số kết quả khá khả quan. Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường tiêu thụ vẫn chưa được như mong muốn.
Ông Nguyễn Chí Công (Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Cách Tân) và bà Uông Thị Lan (HTX Chè an toàn Nguyên Việt) kiểm tra chất lượng sản phẩm chè. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.
Bà Uông Thị Lan, Giám đốc HTX Chè an toàn Nguyên Việt (Xóm Cà Phê 1, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ) rất hy vọng và đánh giá cao dự án này. Bà cho rằng nếu thực hiện được, dự án sẽ kết nối được các HTX lại với nhau, cùng hướng đến mục tiêu chung là "nâng tầm giá trị, phát triển bền vững" thương hiệu chè Thái Nguyên Hà Nội, chấm dứt cảnh mạnh ai nấy làm, thậm chí là “đấu đá nhau” tranh thị trường như thời gian vừa qua. Tham gia vào liên kết chuỗi cùng doanh nghiệp, HTX sẽ bớt “gánh nặng” tìm kiếm thị trường, có điều kiện tập trung vào sản xuất và chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Với sự liên kết này, các HTX và các xã viên là những người làm chè của tỉnh sẽ rất có lợi vì lợi nhuận chia dựa trên cơ sở giá sản phẩm là 20/80, trong đó doanh nghiệp là 20%, HTX 80%, doanh nghiệp đóng vai trò tiêu thụ, thiết lập, quản lý hệ thống đại lý, nắm bắt thông tin, nhu cầu khách hàng, HTX là nhà sản xuất. Hiện, các mức giá được đưa ra với 5 loại sản phẩm là: 300 nghìn đồng/kg; 500 nghìn đồng/kg; 800 nghìn đồng/kg; 1 triệu đồng/kg; 1,5 triệu đồng/kg; doanh nghiệp thiết kế bao bì riêng cho từng loại bằng chất liệu giấy krafs thân thiện môi trường, mỗi phân khúc giá có vệt màu riêng biệt để khách hàng dễ nhận biết.
Ông Nguyễn Chí Công tin tưởng vào sự thành công của dự án, bởi lẽ doanh nghiệp đảm nhận vai trò phân phối khép kín từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, đưa vào với đó là công nghệ quản trị, kết nối giữa doanh nghiệp với khách hàng và HTX bằng công nghệ 4.0. Qua đó sẽ tối đa hóa sản phẩm, tận dụng tất cả những nguồn lợi từ cây chè mang lại cho người nông dân.
Được biết, trong hơn 1 năm qua, Thái Nguyên tập trung phát triển sản phẩm chủ lực từ chè. Nhờ vậy, chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến chè ở Thái Nguyên được nâng cao rõ rệt, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Toàn tỉnh hiện có trên 91.000 hộ làm chè. Cây chè là nguồn thu chủ yếu của nhiều hộ dân, góp phần quan trọng trong giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững ở địa phương.
Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích chè của toàn tỉnh đạt 24.000 ha; trong đó, 100% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng tiêu chuẩn GAP, hữu cơ.
Nhận xét
Đăng nhận xét