Nhân ngày sở hữu trí tuệ Thế giới, chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề “Sở hữu trí tuệ - Động lực thúc đẩy đổi mới và phát triển” qua bài viết sau.
Chè (Trà) Tân Cương Thái Nguyên phải đăng ký thương hiệu như thế nào?
Năm 1970, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đã lấy ngày 26/4 hàng năm là ngày Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới. Kể từ đó, tài sản trí tuệ đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong kết cấu giá trị của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Việc tạo dựng hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ hoàn thiện và vững chắc là đòi hỏi bắt buộc đối với chiến lược phát triển kinh tế dài hạn. Nhân ngày sở hữu trí tuệ Thế giới, chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề “Sở hữu trí tuệ - Động lực thúc đẩy đổi mới và phát triển” qua bài viết sau.
Với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và mạnh mẽ như hiện nay, vấn đề sở hữu trí tuệ không chỉ là động lực mà còn là yêu cầu tiên quyết của sự phát triển. Tuy nhiên, các đơn vị, doanh nghiệp của Thái Nguyên có bắt kịp xu thế toàn cầu hoá về sở hữu trí tuệ hay không? Hãy cùng đi tìm đáp án cho vấn đề này
Chị Dương Thị Thơm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bắc Thái, Thành phố Thái Nguyên cho biết: “Trước đây, tôi chỉ chú trọng vấn đề quảng bá sản phẩm ra thị trường và bán được thôi. Một thời gian sau, tôi nghĩ đến vấn đề sở hữu trí tuệ thì có một đơn vị khác người ta đã đăng ký trước rồi”.
Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên cho biết một thực tế phổ biến: “Đi đâu cũng thấy chè Thái Nguyên nhưng sản phẩm chè Thái Nguyên thật cũng có mà sản phẩm chỉ mang nhãn mác chè Thái Nguyên nhưng không phải là chè Thái Nguyên cũng có”. Nếu như chúng ta không quản lý chặt chẽ về chất lượng cũng như thương hiệu Chè Thái Nguyên thì dần dần chúng ta sẽ mất cái danh tiếng “Thái Nguyên đệ nhất danh trà”.
Mất thương hiệu, mất cả sản phẩm là nỗi lo chung của các đơn vị, doanh nghiệp, nhất là khi ngành chè (trà) Tân Cương Thái Nguyên phải đối mặt với thực trạng “chảy máu thương hiệu” bao năm nay
Tìm kiếm thông tin với từ khoá “làm giả chè (trà) Tân Cương Thái Nguyên”. Rất nhanh, hàng loạt bài viết về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể “chè (trà) Tân Cương Thái Nguyên” đã hiện lên. Các vụ việc xảy ra qua nhiều năm và tại nhiều địa phương trong cả nước.
Chị Dương Thị Thơm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bắc Thái, Thành phố Thái Nguyên phản ánh thực tế: “Nhiều người đang mất niềm tin. Vì trên thị trường, chỗ nào cũng tràn lan chè Tân Cương-Thái nguyên” . Tôi cũng mua thử một gói chè và về pha lên mới phát hiện ra đấy không phải là chè Tân Cương”.
Chúng tôi đã tìm hiểu 1 sản phẩm trà được đóng gói để tiêu thụ tại thành phố Cần Thơ, với tên gọi chè Tân Cương - Thái Nguyên- sản phẩm được lực lượng chức năng thành phố Cần Thơ gửi tới Hội chè Thái Nguyên, nhờ thẩm định chất lượng do nghi ngờ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm đối với sản phẩm có gắn nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên".
Để có câu trả lời cho những nghi vấn của lực lượng chức năng thành phố Cần Thơ, chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo Hội chè (trà) Tân Cương Thái Nguyên để tìm hiểu vụ việc.
Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên thông tin về vấn đề này: “Thành phố Cần Thơ chỉ có 6 đơn vị chè của Hội chè Thái Nguyên mở đại lý thôi. Thành phố Cần Thơ cũng là nơi có bán rất nhiều chè Thái Nguyên. Chúng tôi đề nghị gửi mẫu ra kiểm tra thì phát hiện đều là hàng nhái, hàng giả, không phải là chè Thái Nguyên. Bao bì thì dán nhãn chè Thái Nguyên nhưng không có thông tin doanh nghiệp sản xuất, cơ sở bán hàng, không có thông tin xuất xứ nguồn nguyên liệu ”.
Tại Thái Nguyên, năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ đã xử phạt 5 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” và nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.
Tiến sĩ Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Việc đầu tiên là phải phổ biến kiến thức đến mọi cá nhân về Luật sở hữu trí tuệ; Thứ 2 là tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý với các tổ chức, cá nhân, cố tình vi phạm quyền sở hữu hay là quyền sử dụng đối với nhãn hiệu tập thể”.
Thái Nguyên hiện có 21 sản phẩm đặc sản được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Từ năm 2016 đến nay, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ thành công tại 4 quốc gia trên thế giới và dự kiến đến cuối năm nay, sẽ bảo hộ thành công tại 2 quốc gia nữa là Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm đặc sản không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng mà còn gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm; tạo cơ sở và động lực khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa các ý tưởng, sản phẩm mới ra thị trường như thông điệp ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới năm nay.
Chị Dương Thị Thơm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bắc Thái, Thành phố Thái Nguyên cho biết về kế hoạch: “Chúng tôi sẽ phát triển thêm một dòng sản phẩm. Đó là bột trà xanh. Tôi cũng đang lập hồ sơ để đăng ký cho mình 1 thương hiệu bột trà xanh”.
Bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc Hợp tác xã chè Tuyết Hương, huyện Đồng Hỷ thì chia sẻ: “Đơn vị cũng đang tập trung chế biến chuyên sâu vào các sản phẩm như trà túi lọc, trà matcha. Chúng tôi sẽ phải đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu sản phẩm”.
Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, sở hữu trí tuệ chính là động lực thúc đẩy đổi mới và phát triển… Khi nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ, cá nhân có thể biến ý tưởng thành cơ hội kinh doanh. Doanh nghiệp và cộng đồng cũng sẽ có thêm nhiều cơ hội đổi mới sáng tạo và phát triển, hướng đến 1 xã hội văn minh - hiện đại./.
Nhận xét
Đăng nhận xét